Với đất nước Nhật Bản, tắm suối nước nóng đã được ưa chuộng và phổ biến từ vài thế kỷ trước. Tại miền bắc Việt Nam, đến thời điểm này đã phát hiện ra một số mạch suối nóng và đi vào khai thác như ở Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Ninh, Tuyên Quang... Ngâm mình trong suối nước nóng giữa khung cảnh thiên nhiên đã được khoa học chứng minh là một trong những liệu pháp hữu hiệu nhất để thư giãn, giảm mệt mỏi căng thẳng cũng như chữa được một số căn bệnh khác nhờ vào nguồn khoáng chất dồi dào trong đó.
Hiện nay Công ty CPĐT Lạc Hồng đang đầu tư xây dựng một khu resort ngay trên một nguồn khoáng nóng mới được phát hiện tại Kim Bôi. Ngoài các dịch vụ chung của một khu nghỉ dưỡng cao cấp, tại đây sẽ có khu tắm suối nước nóng theo phong cách tắm
Onsen Nhật Bản để tận dụng mạch nước nóng quý giá của địa phương.
Chúng tôi đã sưu tầm bài viết về “Tắm suối nước nóng Nhật Bản” để phục vụ các bạn hiểu thêm về lịch sử, văn hóa tắm onsen của đất nước mặt trời mọc này và cũng để các bạn chuẩn bị tinh thần chào đón ngày khai trương khu resort trên đất Kim Bôi hotspring resort sắp tới của Lạc Hồng chúng ta.
Tắm suối nước nóng ở Nhật Bản
Thói quen tắm suối nước nóng ra đời như thế nào và tại sao được người Nhật ưa thích đến vậy? Thời xưa, Nhật Bản là một nước nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa, và công việc nhà nông kết thúc với vụ gặt vào mùa thu. Lúa đã đưa về nhà thì người nông dân có thể nghỉ ngơi cho tới mùa xuân năm sau. Sau hơn 6 tháng lao động vất vả, một trong những cách để xua đi sự mệt nhọc là tìm đến các khu vực có suối nước nóng, mang theo đồ nấu ăn, và thư giãn trong làn nước ấm.
Sự phổ biến của thói quen tắm suối nước nóng (onsen) được mô tả trong tài liệu lịch sử địa phương Fudoki của Izumo, nay là tỉnh Shimane, viết rằng: Suối nước nóng Tama-tsukuri thu hút nhiều du khách vì ở đây “tắm một lần da dẻ mịn màng, tắm hai lần bệnh tật tiêu tan, hiệu quả rõ ràng từ thời ông cha”.
Tùy địa điểm của onsen mà trong nguồn nước có những khoáng chất khác nhau. Có những onsen rất nổi tiếng vì chữa được một số bệnh. Năm 1874, chính phủ Nhật bắt đầu tiến hành nghiên cứu hóa học đối với các suối nước nóng, và đến năm 1931, việc nghiên cứu trở nên có hệ thống. Sau Thế chiến 2, các bệnh viên suối nước nóng của nhà nước được thành lập và đi bất cứ nơi đâu trên toàn quốc cũng có thể được chữa bệnh bằng phương pháp này. Hiện tại, tắm onsen được sử dụng để chữa các bệnh như thấp khớp kinh niên, đau dây thần kinh, các bệnh về gan, túi mật, cao huyết áp, liệt nửa người, v,v… Ngoài ra cũng dùng để chữa trị các vết thương ngoài da và phục hồi chức năng sau khi phẫu thuật.
Ở Nhật Bản có đến hơn 20.000 suối nước nóng thiên nhiên. Nhưng theo luật về suối nước nóng ban hành năm 1948, chỉ những nơi nào đáp ứng đủ những điều kiện nhất định về nhiệt độ và thành phần khoáng chất mới được coi là onsen. Chiểu theo luật này, tính đến năm 1990, toàn Nhật Bản có 2.300 onsen. Kể từ năm 1954, Bộ Y tế Phúc lợi đã công nhận 64 suối nước nóng có khả năng chữa bệnh. Có thể kể tên một số onsen nổi tiếng nhất là Kusatsu ở tỉnh Gunma, các onsen ở khu vực quần đảo Izu ở tỉnh Shizuoka, Hakone ở tỉnh Kanagawa, Beppu ở tỉnh Oita. Nhiệt độ nước tại các onsen thường từ 40 đến 600C, có nơi thậm chí nóng tới hơn 900 C, đủ để luộc trứng.
Suối nước nóng Dogo ở xứ Iyo (nay là tỉnh Ehime) được coi là suối nước nóng lâu đời nhất ở Nhật Bản. Tương truyền rằng, đây là nơi một số vị hoàng đế trong truyền thuyết và những hoàng đế trong thời kỳ đầu lịch sử thường đến tắm. Các nhà sư đã xây dựng onsen này thành nơi chữa bệnh, và tắm suối nước nóng còn là một phần trong lễ tẩy trần của Phật giáo.
Ở Nhật Bản, cách tắm suối nước nóng cũng là một yếu tố quan trọng nên có rất nhiều kiểu bồn và bể, tùy theo khu vực. Bồn hinoki làm bằng gỗ cây bách, bồn iwaburo làm bằng đá tảng và đá cuội, bồn awaburo sục nước từ đáy bồn. Bồn tắm ngoài trời rotenburo có lẽ là loại hấp dẫn nhất. Người tắm ngâm mình vào nước nóng trong khi gió lạnh mơn man trên mặt. Xung quanh là thiên nhiên hữu tình và không có âm thanh nào khác ngoài tiếng nước chảy cùng tiếng gió vi vu, tạo cảm giác hòa mình với trời đất và hoàn toàn tách biệt với cuộc sống sôi động hàng ngày. Càng thú hơn nếu đi tắm onsen vào mùa đông để cảm nhận sự khoan khoái khi trầm mình trong nước nóng giữa không gian đầy tuyết trắng.
Onsen chủ yếu là để tắm nhưng ở một số nơi, sức nóng thoát ra được dùng để sưởi ấm các căn phòng, nấu ăn, ủ rượu sake hoặc làm miso. Có những suối nước nóng đạt nhiệt độ cao tới mức hiện nay được sử dụng làm nguồn năng lượng cho các trạm phát điện. Vào năm 1990, trên toàn Nhật Bản có 12 nhà máy địa nhiệt điện, sản xuất tổng cộng gần 270.000 KW. Tuy nhà nước khuyến khích nhưng địa nhiệt điện chiếm tỉ lệ tương đối thấp và bị hạn chế do mối lo ngại về môi trường và du lịch.
Trước kia, mọi người thường nghỉ tại các khu có suối nước nóng khoảng vài tuần, có khi vài tháng. Sau đó, các nông dân trở về nhà và lại bắt đầu công việc nhà nông từ mùa xuân. Ngày nay, hầu hết người Nhật làm việc trong các ngành sản xuất chế tạo, dịch vụ, v.v… nên bận bịu quanh năm và nói chung không thể đi nghỉ quá lâu. Tuy nhiên, tắm onsen vẫn là cái thú mà nhiều người muốn được thưởng thức mỗi khi có thể tranh thủ vài ngày rảnh rỗi!
Phản hồi
Người gửi / điện thoại
CÔNG TY CỔ PHẦN THƯƠNG MẠI VÀ GIÁO DỤC NHẬT HÀN
HAN NHAT TRADING AND EDUCATION JOINT STOCK COMPANY
Tên Công ty viết tắt: HANESCO
DC: 26 An Dương Vương - phường Phú Thượng - Quận Tây Hồ - Hà Nội
Tel: (84-24) 374 49 125
Fax: (84-24) 371 70 920.
Email: hanesco.edu@gmail.com
Mọi chi tiết liên hệ Mrs Yến: 097 499 2258 - 098 392 9258